Vì sao chúng ta chán học tiếng Anh?

Bài viết này sẽ không đề cập tới chuyện học tiếng Anh ở cấp phổ thông mà tập trung nói về vấn đề chán học tiếng Anh khi chúng ta đã MUỐN đi học.

Rất nhiều người trong chúng ta khi bắt đầu đăng kí 1 khóa học tiếng Anh thì trong người luôn hừng hực khí thế, mua/tải một đống tài liệu, hỏi han giáo viên đủ trang web, app để học nhanh tiến bộ. Nhưng rồi, ngày qua ngày, tháng qua tháng, mà có khi là chưa quá 2 tháng thì mọi thứ lại trở về mo. Chúng ta chán nản, chúng ta thấy bực tức vì không năng lực không cải thiện, chúng ta không nhớ ngày đầu mình đã nhiệt huyết như nào, và rồi chúng ta bỏ giữa khóa học vì…..bận công việc.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, bẵng đi một thời gian, chúng ta lại nhìn thấy 1 bài diễn văn truyền động lực học tập, thấy một người nào đấy rất đỉnh ngoại ngữ, rồi chúng ta lại khí thế hừng hực, lại quyết tâm “làm lại”, lại lao vào tìm kiếm tài liệu, lại đăng kí một khóa học “phù hợp” hơn khóa học lần trước. Và rồi…..cái vòng lặp 2-3 tháng kia lại bắt đầu 😊

Lí do có thể là rất nhiều, khách quan đến chủ quan, là do bận rộn, là do người dạy không tốt, do chương trình học không phù hợp, do bài học…không vui, do…lười, v.v. Nhưng bản thân tác giả nghĩ rằng cốt lõi nằm ở 2 thứ: mục tiêu không rõ ràng và mindset khi học ngôn ngữ không đúng.


1. Mục tiêu quá chung chung. Ai cũng muốn thành thạo ngôn ngữ sau 6-12 tháng học, muốn giao tiếp tự tin trôi chảy như-người-bản-xứ. Điều này không sai, cái đích của ngôn ngữ là để giao tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đốt cháy giai đoạn thì không thể. Mất một khoảng thời gian khá dài để học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ít nhất là tới hết cấp 1 để có thể giao tiếp tương đối rõ ràng những chủ để cơ bản. Cần thêm thời gian tới giữa cấp 2 để hoàn thiện nghe-hiểu những chủ đề cao hơn trong cuộc sống. Và đó là ngôn ngữ mẹ đẻ - ngôn ngữ chúng ta phải tiếp xúc hàng ngày, liên tục trong suốt thời gian thức 😊 Trong khi đó, tiếng Anh là ngoại ngữ, vẫn chưa phải ngôn ngữ thứ 2 nước Việt Nam (của người Kinh nói chung). Vậy việc chỉ học 1 vài khóa ngắn hạn với thời lượng vài giờ 1 tuần thì thật sự khó đáp ứng được yêu cầu đó. Vậy thì, thay vì đặt ra mục tiêu quá cao, hãy đặt mục tiêu thực tế. Trong vòng 1 năm có thể giao tiếp các chủ đề cơ bản, trong 2 năm có thể thi các chứng chỉ ở cấp độ B2, C1 chẳng hạn. Đặt ra từng mốc thời gian và cố gắng đạt được từng chút một sẽ giúp mọi người có động lực hơn để duy trì việc học.

2. Mindset khi học ngôn ngữ: mọi thứ đều có cái giá của nó. Nếu bạn muốn lưu loát tiếng Anh nhưng lại NGẠI luyện nói, né tránh việc học phát âm, bỏ qua những giờ thực hành hội thoại trong lớp, thì bạn có nghĩ rằng mình sẽ nói được tiếng Anh? Trừ phi bạn là thần đồng 😊 Nếu bạn muốn mỗi ngày học, mỗi giờ học tiếng Anh đều phải “sinh động”, vui vẻ, học như chơi, học như giải trí, thì hãy nghĩ xem tại sao tất cả mọi người đều không thể học giỏi như nhau, không thể trở thành kỹ sư bác sỹ. Không có thứ gì dễ dàng mà đem lại trái ngọt cả. Nếu bạn không bẩm sinh là người rất rất yêu thích ngôn ngữ, thì việc học luôn khiến bạn mệt mỏi, dù ít hay nhiều. Việc học là nhàm chán (chúng ta thấy điều đó với hơn 12 năm học trong trường học), và việc của chúng ta là vượt qua sự nhàm chán đó. Các trò chơi với ngôn hỗ trợ bạn thư giãn sau giờ học, và hãy nhớ nhiệm vụ của chúng chỉ có thế, không hơn không kém. Cuối cùng vẫn là bạn bỏ công sức ra từng ngày, luyện tập chăm chỉ, không nản, không dừng bước. Cố gắng không phải lúc nào cũng thành công, nhưng nếu không cố gắng, bạn sẽ chẳng có gì.

Thay đổi mindset và hành động để việc học ngoại ngữ, cũng như làm bất kể chuyện gì cũng đều có con đường rõ ràng hơn nhé.

 

 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét