Học tiếng Anh qua bài hát, lợi hay hại?

Là người học tiếng Anh, ít nhiều chúng ta đã từng nghe qua việc học tiếng Anh qua bài hát. Và chắc chắn rằng những thứ chúng ta nghe nhắc tới khá tích cực và đầy cảm hứng cho việc học. Thế nhưng học tiếng Anh qua bài hát có thật sự thần thánh như thế không?


Điều gì khiến cho những bài hát trở nên hữu hiệu trong việc học tiếng Anh?

- Chứa đựng ngôn ngữ thường ngày. Bạn có thể chọn ngẫu nhiên những bài hát của Bruno Mars, Ariana Grande, Adele, Taylor Swift,….và tìm được hàng tá từ vựng cũng như cụm từ thông dụng trong cuộc sống, thậm chí là những lối nói khá “thời thượng” mà giới trẻ ưa chuộng.

- Quen với cách phát âm. Thật vậy, bạn có thể làm quen với việc nối âm, điều thường thấy trong những bài hát. (Ví dụ Is he busy thường được nghe là “Izi busy?”, hay bạn sẽ nghe từ “get you” được phát âm là “getchu” trong ca khúc Can’t get you out of my head)

- Dễ ghi nhớ hơn. Giai điệu bài hát (kèm theo là lyrics) được “in” vào não bạn dễ hơn là những trang kiến thức khô khan trong sách giáo khoa, tất nhiên rồi.

- Thói quen dễ hình thành và duy trì. So với việc bỏ ra 15 phút mỗi ngày để học từ sách vở thì việc nghe và tìm hiểu lyrics trong 15 phút sẽ thú vị hơn khá nhiều.

- Học văn hóa Anh/Mỹ. Văn hóa là 1 khía cạnh không thể tách rời trong ngôn ngữ, nếu để ý kỹ các bạn sẽ thấy những chương trình tiếng Anh mới ngày càng chú trọng việc đưa yếu tố văn hóa của các quốc gia vào cho học sinh cảm thấy quen thuộc. Biết về những yếu tố này giúp cho cuộc hội thoại của bạn và người bản xứ dễ dàng hơn khi có cùng điều gì đó để nói chuyện với nhau.

Nhưng những ca khúc tiếng Anh cũng có thể làm gián đoạn việc tiến bộ của bạn.

- Từ vựng và cấu trúc không giống với tiếng Anh “thực”. Việc thể hiện cảm xúc qua ngôn ngữ thường được xem là nghệ thuật đối với nghệ sỹ, nên rất nhiều từ trong các bài hát thường có nghĩa khác so với nghĩa thường dùng trong cuộc sống, tương tự sẽ có khá nhiều từ lóng mà chỉ người viết nhạc hiểu (nên sẽ khó cho bạn khi tìm kiếm bằng google), hay như các các trúc ngữ pháp thường sẽ bị cố ý làm sai để hợp với giai điệu hoặc vì chủ đích nào đó của người sáng tác. Ví dụ như “she don’t” thay vì “she doesn’t”.

- Phát âm không phải luôn “chuẩn”. Đôi khi việc phát âm theo giọng địa phương của các ca sỹ cũng ảnh hưởng tới việc nghe của người học, điều này sẽ khiến mọi người “hoang mang” hơn là tiếp thu cái mới.

- Khó hiểu. Một lần nữa, âm nhạc là nghệ thuật, vì vậy đôi khi tầng ý nghĩa sẽ khá trừu tượng. Chỉ với vài câu ngắn gọn và khá cụt sẽ khiến người học dù tra nghĩa hoài nhưng vẫn không hiểu ý của tác giả.

- Học không được nhiều. Yup! Trong 1 bài hát đôi khi sẽ chỉ có vài từ các bạn không biết, và có thể sau khi học xong thì các bạn cũng sẽ quên vì chẳng có chỗ để ứng dụng, đồng thời cũng không có bài tập để làm cho nhớ.

Tổng kết lại, chúng ta có nên học với bài hát không? Dựa vào những phân tích trên thì hãy xem các ca khúc tiếng Anh là công cụ giải trí, là 1 nguồn động lực khi các bạn cảm thấy chán chường và mệt mỏi, chứ không phải là nguồn chính để học tiếng Anh. Đồng thời, chú ý khi lựa chọn ca khúc để học, hãy chọn những bài hát mà bạn thích, không quá khó (thường là những bản pop ballad chậm rãi nhẹ nhàng) để cảm thấy hào hứng hơn khi học nhé.

Để lại bình luận cho biết ý kiến của bạn nhé!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét